Thứ Ba, ngày 27/01/2015 13:00 PM (GMT+7)
Nhiều người có ý kiến cho rằng, việc bị bắt trói trước đông người và hắt nước vào người là hình phạt đích đáng dành cho nghi phạm trộm gà. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự bức xúc, không đồng tình với cách hành xử trên.
Tin tức An ninh hình sự cập nhật liên tục tại TIN TUC 24H.
Tin điều tra những vụ trọng án, kỳ án, trùm tội phạm bị phap luat truy nã. Video nhat ky 141 đồng hành cùng phá án cực nhanh, cực HOT...
Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 22.1, đối tượng B.Q.T (SN 1991, trú xã Sông Khoai, TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) trong lúc bắt trộm 1 con gà trống của hàng xóm thì bị bắt quả tang. Đối tượng sau đó bị người dân bắt, trói vào cột điện.
Vụ việc trên đã được ghi lại và chia sẻ trên mạng xã hội Facebook. Theo hình ảnh clip thì đối tượng T bị trói vào cột điện, người không mặc áo. Một người đàn ông tiến tới tra hỏi, hắt xô nước vào ngực và mặt của T trong khi tiết trời đang lạnh giá.
Trói, hắt nước nghi phạm trộm gà giữa trời lạnh: Có dấu hiệu làm nhục? - 1
Vì trộm gà nên T bị người dân trói vào cột điện, dùng nước lạnh hắt vào người giữa tiết trời giá lạnh.
Trước sự việc trên, nhiều người có ý kiến cho rằng, việc bị bắt trói trước đông người và hắt nước vào người trong tiết trời lạnh giá là hình phạt đích đáng cho nam thanh niên nghi trộm cắp. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự bức xúc, không đồng tình với cách hành xử trên.
Nam thanh niên nghi trộm gà bị làm nhục?
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Lê Văn Kiên, Văn phòng luật sư Ánh Sáng Công Lý (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Hành vi nêu trên đối với B.Q.T có dấu hiệu về tội “Làm nhục người khác”. Bởi, việc trói, té nước vào nam thanh niên trước đám đông đã xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người thanh này. Người đàn ông có hành động hắt nước cũng không có quyền quy kết anh B.Q.T trộm cắp, bởi chỉ tòa án mới có quyền quy kết một người là có tội hay không có tội”.
Đồng quan điểm với luật sư Kiên, luật sư Trịnh Anh Dũng, Văn phòng luật sư Trịnh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Nếu hành vi bắt giữ B.Q.T của người dân nêu trên thuộc trường hợp phạm tội quả tang, sau khi bắt giữ, người dân bàn giao ngay nghi phạm cho cơ quan công an gần nhất để xử lý thì phù hợp quy định pháp luật.
“Việc người dân do bức xúc trói nghi phạm vào cột điện giữa nơi đông người, hắt nước vào người nghi phạm tuy chưa đủ yếu tố cấu thành tội "Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật", nhưng có dấu hiệu phạm vào tội "Làm nhục người khác" theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự.
Đặt giả thiết nam thanh niên là đối tượng trộm gà thì đó cũng không phải lý do để người khác được quyền xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người này.
Thời gian qua, tại nhiều địa phương đã xảy ra hiện tượng người dân sau khi bắt được nghi phạm trộm chó, đã đánh đập nghi phạm trọng thương, thậm chí đánh chết nghi phạm. Các trường hợp này sau đó đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, luật sư Dũng cho biết.
Về vụ việc trên, luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: Trong trường hợp cơ quan điều tra chứng minh được trong quá trình bắt giữ B.Q.T, người bắt giữ đã có hành động nhằm làm nhục nam thanh niên trước đám đông thì rất có thể người bắt giữ bị xử lý về hành vi “Làm nhục người khác”.
Bắt quả tang phải giao ngay nghi phạm cho công an
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đoàn Văn Thông - Phó Trưởng Công an xã Sông Khoai cho biết, T từng bị TAND thị xã Quảng Yên tuyên phạt 15 tháng tù giam về tội "Cố ý gây thương tích" và được mãn hạn tù vào cuối năm 2012. Tuy nhiên, sau khi ra tù T vẫn đi trộm cắp.
“Sau khi được đưa về UBND xã, T đã khai nhận hành vi trộm gà. Do T chỉ ăn trộm 1 con gà nên sau khi xử lý, chúng tôi đã cho T về nhà”, lãnh đạo Công an xã Sông Khoai nói.
Về việc trói và hắt nước vào người đối tượng T, một lãnh đạo Công an thị xã Quảng Yên cũng cho rằng, hành động trên là không đúng. Tuy nhiên, nguyên nhân của hành động trên xuất phát từ việc người dân quá bức xúc vì mất trộm.
Theo luật sư Lê Văn Kiên, trong mọi trường hợp các cá nhân tự ý bắt giữ, giam người là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu phát hiện hành vi phạm tội quả tang thì mọi người có quyền ngăn chặn, khống chế người phạm tội, nhưng ngay lập tức phải báo cho cơ quan công an hoặc bàn giao ngay người phạm tội quả tang cho cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
“Công dân tuyện đối không nên tự ý bắt giữ, giam hoặc có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác và càng không nên vì nóng nảy mà tấn công gây tổn hại đến sức khỏe của người vi phạm. Tuy nhiên, để hạn chế những việc làm nêu trên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thường xuyên tuyên truyền phổ biến pháp luật cho mọi công dân nắm rõ các quy định chung nhất của pháp luật về quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng và chỗ ở của công dân”, luật sư Kiên nói.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.